Đây là một phần trong nỗ lực phát triển ngành du lịch hậu Covid-19 của Tokyo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kobayashi Maki cho biết trong cuộc gặp báo chí ngày 10/10 tại Hà Nội, nhân chuyến thăm Việt Nam của tân Ngoại trưởng Kamikawa Yoko.
Bà Maki cho hay lượng du khách Việt Nam đến Nhật Bản năm 2019, thời điểm trước khi Covid-19 bùng phát, đạt khoảng 500.000 lượt, trong khi số du khách Nhật thăm Việt Nam là 952.000 lượt. Quý I năm nay, lượng khách Việt đến Nhật đạt 161.000 lượt, gấp 12 lần cùng kỳ 2022 và là một trong những mức tăng trưởng cao nhất thế giới.
“Chúng ta cần tiếp tục tăng con số này, bằng cách đẩy mạnh hợp tác văn hóa và nới lỏng quy trình nhập cảnh cho người Việt sang Nhật. Chưa miễn thị thực hoàn toàn, nhưng Nhật Bản đang cân nhắc tạo điều kiện thuận tiện hơn trong quy trình này”, bà Maki nói.
Bà Maki không nêu rõ các biện pháp nới lỏng quy trình nhập cảnh là gì. Theo quy định hiện hành, công dân Việt Nam muốn nhập cảnh Nhật Bản đều phải xin visa, trừ người mang hộ chiếu ngoại giao hoặc hộ chiếu công vụ. Nhật Bản sẽ bắt đầu cấp e-visa cho đoàn du khách Việt kể từ tháng 11, nhưng chưa áp dụng cho du khách tự túc.
Bà Maki cũng cho hay chính phủ Nhật đang đánh giá lại phương pháp thu hút lao động chất lượng cao, cân nhắc việc tạo thuận lợi cho lao động Việt Nam. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Việt Nam có nhiều lao động chất lượng tốt, trong khi Nhật Bản đang đối mặt tình trạng già hóa dân số, khan hiếm lao động.
“Chúng tôi đã suy nghĩ nghiêm túc về việc thu hút lao động bằng cách mở rộng lĩnh vực chuyên môn và cải thiện các điều kiện, phúc lợi”, bà Maki nói, thêm rằng các thay đổi có thể được đưa ra trong năm tới.
Nhật Bản đang đề xuất bãi bỏ chương trình thực tập sinh nước ngoài gây tranh cãi để xây dựng hệ thống tuyển lao động hoàn toàn mới, nhằm “bảo vệ và phát triển” nguồn nhân lực, trong đó đề xuất thêm nhiều quyền lợi nhất định trong quá trình làm việc và sự nghiệp lâu dài cho người lao động.
Dữ liệu từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho thấy tính đến tháng 6/2021, khoảng 202.000 thực tập sinh kỹ thuật Việt Nam học tập và làm việc tại nước này.
Phát ngôn viên Maki cũng khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục đảm bảo nguồn cung vốn ODA, ngay cả khi nước này đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách.
Tokyo gần đây áp dụng cách tiếp cận mới trong chính sách ODA. Nhật thường chờ đối tác đưa ra ưu tiên và đề xuất dự án trước khi trải qua quá trình thảo luận kéo dài nhiều năm. Theo chính sách mới, Tokyo nay sẽ chủ động đề xuất gói hợp tác trong các lĩnh vực mà quốc gia đối tác quan tâm để đẩy nhanh quá trình chuẩn bị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi tiếp Ngoại trưởng Yoko ngày 10/10 cũng đề nghị Nhật Bản cung cấp ODA thế hệ mới cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược quy mô lớn của Việt Nam.
“Chúng tôi đang thảo luận về đề xuất này. Tokyo coi việc phát triển hạ tầng kết nối kỹ thuật số, giao thông tại khu vực rất quan trọng”, bà Maki nói.
Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về cung cấp viện trợ ODA, thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ 4 về thương mại. Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản 24,2 tỷ USD và nhập khẩu 23,4 tỷ USD.
Nhật Bản là đối tác ký nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương nhất với Việt Nam, gồm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Tân Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yoko thăm Việt Nam ngày 10-11/10, vào dịp hai nước kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao. Bà là một trong 5 nữ quan chức được bổ nhiệm vào nội các mới của Thủ tướng Fumio Kishida trong cuộc cải tổ nhân sự giữa tháng 9.