Thúc đẩy triển khai các nội dung hợp tác giữa Quảng Nam với Nagasaki (Nhật Bản)

(QNO) – Ngày 13/11, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan thúc đẩy triển khai các nội dung hợp tác giữa Quảng Nam với Nagasaki (Nhật Bản).

b
UBND tỉnh đề nghị UBND TP.Hội An tham mưu tu bổ, sử dụng lâu dài mô hình Châu ấn thuyền đang được đặt tại Không gian văn hóa Việt Nam – Nhật Bản (Phố cổ Hội An). Ảnh: H.S

UBND tỉnh yêu cầu Sở VH-TT&DL kết nối với cơ quan tương ứng của tỉnh Nagasaki để tăng cường quảng bá hình ảnh tỉnh Quảng Nam tại tỉnh Nagasaki. Trong đó xúc tiến kế hoạch cụ thể để đề nghị tỉnh Nagasaki hỗ trợ không gian trưng bày, giới thiệu hình ảnh tỉnh Quảng Nam tại tỉnh Nagasaki.

Sở LĐ-TB&XH tích cực nghiên cứu, tham mưu tháo gỡ vướng mắc, triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác đã ký kết với Sở Công nghiệp và Lao động tỉnh Nagasaki; nghiên cứu, tham mưu xây dựng mạng lưới thông tin (network) về thực tập sinh Quảng Nam, Việt Nam tại Nagasaki nhằm cập nhật thông tin tình hình học tập, làm việc, chế độ, chính sách ưu đãi cho sinh viên, lao động tại tỉnh Nagasaki.

Sở Nội vụ phối hợp với Sở Y tế, Sở NN& PTNT, các cơ quan liên quan khảo sát, xây dựng kế hoạch cụ thể để xúc tiến hợp tác với tỉnh Nagasaki về đào tạo đội ngũ y bác sĩ thông qua các khóa đào tạo chuyên sâu dài hạn, ngắn hạn tại tỉnh Nagasaki; hỗ trợ các đoàn bác sĩ của tỉnh Nagasaki sang tỉnh Quảng Nam để chuyển giao kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn hoặc đào tạo cho đội ngũ bác sĩ Quảng Nam. Cử công chức, sinh viên tỉnh Quảng Nam sang học tập kinh nghiệm và nghiên cứu về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, trồng trọt các loại rau củ quả, chăn nuôi bò.

Sở NN&PTNT nghiên cứu, tham mưu triển khai nội dung hợp tác về chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm về nông nghiệp, trồng trọt; mô hình phát triển nông thôn của Nagasaki; phòng chống thiên tai.

UBND tỉnh giao UBND TP.Hội An chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu các nội dung: Tuyên truyền, giới thiệu vở Opera “Công nữ Anio”; tạo điều kiện hỗ trợ tỉnh Nagasaki trưng bày các tư liệu, hình ảnh… tại Nhà văn hóa Nhật Bản (số 06 Nguyễn Thị Minh Khai, Hội An); hợp tác tu bổ, sử dụng lâu dài mô hình Châu ấn thuyền hiện đang được đặt tại Không gian văn hóa Việt Nam – Nhật Bản (phố cổ Hội An).

UBND tỉnh yêu cầu Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam cần tích cực tuyên truyền, tổ chức đưa các em sinh viên ngành điều dưỡng của Trường sang làm việc tại tỉnh Nagasaki.

Sở Ngoại vụ sẽ là cơ quan đầu mối, kết nối, hỗ trợ các cơ quan, địa phương triển khai thực hiện các nội dung hợp tác giữa hai địa phương.

Nguồn : https://baoquangnam.vn/ (Hà Sấu)

Dự báo xuất nhập khẩu 2023 giảm mạnh 9-10%, phục hồi tốt từ 2024

Trong 5 năm 2018 – 2022, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu trung bình của Việt Nam là 11,62% so với cùng kỳ và nhập khẩu là tăng 11,27%. Kể cả trong giai đoạn trong nước và quốc tế chịu cú sốc Covid – 19 (giai đoạn 2020), xuất nhập khẩu suy giảm nhưng vẫn tăng trưởng dương.

Tuy nhiên, sang năm 2023, chính sách tiền tệ chủ đạo trên thế giới nghiêng về thắt chặt, dẫn đầu là Hoa Kỳ, đã khiến nhu cầu hàng hóa thế giới nói chung, hay cụ thể hơn là các thị trưởng xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ chiếm ~29,46% kim ngạch xuất khẩu năm 2022, Trung Quốc chiếm ~15,54% kim ngạch xuất khẩu năm 2022 và châu Âu chiếm ~12,61% kim ngạch xuất khẩu năm 2022 sụt giảm, dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam sang các thị trường này suy yếu theo, thậm chí là tăng trưởng âm.

Trong 10 tháng 2023, xuất khẩu Việt Nam đạt 291 tỷ USD, giảm 6,92%, nhập khẩu đạt 266,67 tỷ USD giảm 12,09% so với cùng kỳ. Tăng trưởng xuất nhập khẩu đang cho thấy diễn biến tích cực hơn về cuối năm, đà tăng trưởng âm thu hẹp dần, tuy nhiên cán cân thương mại ngày càng tăng lên.

Tình trạng này là do Việt Nam có xu hướng nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất và xuất khẩu hàng thành phẩm. Trong bối cảnh nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu vẫn còn yếu, các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam không có động lực nhập khẩu để sản xuất thêm.

Trong báo cáo về chỉ số PMI sản xuất của Việt Nam tháng 10/2023 của S&P Global cũng chỉ rõ, số lượng đơn đặt hàng mới tăng ở mức yếu, doanh nghiệp có xu hướng sử dụng hàng tồn kho để đáp ứng các đơn hàng mới thay vì tăng sản lượng. Kết quả, cán cân thương mại 10 tháng năm 2023 thặng dư 24,61 tỷ USD, tăng 156,65%.

Trong năm 2023, trong bối cảnh các nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại, BSC dự báo xuất – nhập khẩu Việt Nam sẽ giảm lần lượt là 10% – 4,42%  và giảm 15% – 9,09% ; thặng dư cán cân thương mại ở mức 28,6 – 29,1 tỷ USD.

Dự báo xuất nhập khẩu 2023 giảm mạnh 9-10%, phục hồi tốt từ 2024 - Ảnh 1

Trong năm 2024, dự báo xuất nhập khẩu Việt Nam lần lượt sẽ ở mức tăng 5,5 – 11% và tăng 7,5% – 15%; thặng dư cán cân thương mại thu hẹp so với 2023, ở mức 18,7 – 24,6 tỷ USD.

Theo BSC, xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ hồi phục trở lại khi Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ; Hàng hồn kho tại Hoa Kỳ đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại trong những tháng gần đây; Việt Nam đã nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Fed phát tín hiệu sẽ giữ lãi suất cao trong thời gian dài, là yếu tố cản trở đà hồi phục.

Tại châu Âu, lạm phát vẫn ở mức cao, Ngân hàng trung ương châu Âu ECB cũng có quan điểm tương tự Fed là sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài cho đến khi lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2%. ECB dự báo đến năm 2025 lạm phát trung bình năm mới về ngưỡng 2,1%. Ngoài ra, châu Âu cũng đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kĩ thuật (tăng trưởng GDP âm hai quý liên tiếp) khi tăng trưởng GDP quý 3/2023 – 0,1% so với quý trước. Xuất khẩu sang châu Âu trong thời gian tới cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Tại Trung Quốc, cả ba trụ cột chính của nền kinh tế là Tiêu dùng trong nước, Bất động sản, Xuất nhập khẩu đều đang yếu. Sang năm tới khi Fed chấm dứt chính sách tiền tệ thắt chặt, thúc đẩy các quốc gia khác nới lỏng chính sách tiền tệ theo, tạo điều kiện cho thương mại toàn cầu hồi phục trở lại. Khi đó thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ hồi phục theo đà hồi phục chung. Nhập khẩu hàng hóa đầu vào năm 2024 sẽ tăng trưởng mạnh hơn sau năm 2023 đình trệ, nhằm đáp ứng nhu cầu đầu ra hồi phục.

[NGUỒN THAM KHẢO]