Lịch hoa anh đào nở ở Nhật Bản năm 2024

Hoa anh đào bắt đầu nở từ cuối tháng 3, rộ sau khoảng 8 ngày và Kochi là nơi hoa nở sớm nhất.

Tập đoàn Khí tượng Nhật Bản (JMC) tuần trước công bố dự báo về thời gian nở hoa và ngày hoa anh đào nở rộ khắp nước, sau khi thực hiện khảo sát với cây anh đào Yoshino, giống hoa anh đào phổ biến và nổi tiếng nhất Nhật Bản, ở khoảng 1.000 địa điểm ngắm hoa trên cả nước. Dự báo này còn dựa trên nhiệt độ thấp trong mùa thu và mùa đông, tình trạng phát triển của cây anh đào, nhiệt độ tích lũy và dữ liệu trước đó của từng khu vực.

Theo đó, thành phố Kochi trên đảo Shikoku là nơi có hoa anh đào nở sớm nhất, vào ngày 18/3 và nở rộ sau đó 8 ngày. Tiếp theo là các thành phố Fukuoka và Nagoya, nơi hoa anh đào dự kiến bắt đầu nở vào ngày 21/3 và lần lượt nở rộ vào ngày 30/3 và ngày 31/3.

Du khách Chèo thuyền ngắm hoa trên Chidorigafuchi, kênh dẫn nước cho lâu đài Edo nằm ở tây bắc Hoàng cung Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg

Du khách Chèo thuyền ngắm hoa trên Chidorigafuchi, kênh dẫn nước cho lâu đài Edo nằm ở tây bắc Hoàng cung Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg

Ở Tokyo, hoa anh đào dự kiến nở vào ngày 23/3 và nở rộ vào ngày 30/3. Tại Kyoto và Osaka, hoa được dự báo bắt đầu nở lần lượt vào ngày 23/3 và 25/3. Theo dự kiến, người dân và du khách đến thăm cả hai thành phố có thể chiêm ngưỡng hoa nở rộ vào ngày 1/4.

Trong khi đó, xa hơn về phía bắc, thời gian hoa nở sẽ chậm hơn, dự kiến đầu tháng 5. Tại Sapporo, thời điểm hoa anh đào bắt đầu nở là ngày 2/5. Ngày 6/5 là ngày hoa dự kiến nở rộ ở thủ phủ vùng Hokkaido.

Mùa hoa anh đào ở Nhật Bản thường bắt đầu từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4. Ở những vùng lạnh hơn của nước này, đặc biệt là phía bắc, mùa hoa anh đào có thể đến muộn hơn. Tháng 3/2023, số lượng khách du lịch tới Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra, trong bối cảnh mọi người đổ xô đến chiêm ngưỡng hoa anh đào lần đầu tiên sau khi hạn chế đi lại được nới lỏng.

Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, số lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản với mục đích công tác và giải trí đạt 1,82 triệu trong tháng 3/2023, tăng 1,48 triệu so với tháng trước.

Vân Khanh (Theo CNA)

Tham khảo : VnExpress

Doanh nghiệp Nhật Bản: Việt Nam là điểm hút đầu tư sản xuất chip bán dẫn

CEO Tập đoàn SBI Holdings nói coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn và muốn hợp tác xây dựng hệ sinh thái lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn.

Nhiều câu hỏi về chính sách ưu tiên phát triển công nghệ, nhân lực về sản xuất chip, bán dẫn được đại diện Tập đoàn SBI Holdings và các tập đoàn lớn của Nhật Bản đề cập khi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Tokyo, Nhật Bản, sáng 16/12, nhân chuyến công tác và dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm ASEAN – Nhật Bản.

CEO SBI Holdings Yoshitaka Kitao cho biết tập đoàn này đang xây dựng các nhà máy sản xuất chip bán dẫn tại Nhật và tương lai xem xét mở rộng đầu tư ra nước ngoài, trong đó Việt Nam và Trung Đông được xem là những điểm đến hấp dẫn.

“Chúng tôi rất muốn hợp tác với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin, như FPT, để xây dựng hệ sinh thái công nghệ sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam”, ông Yoshitaka, đại diện SBI Holdings chia sẻ.

SBI Holdings là tập đoàn hàng đầu Nhật Bản về dịch vụ, quản lý tài chính, công nghệ sinh học và công nghệ mới như chip, bán dẫn.

Theo ông, hiện nhiều nhà sản xuất bán dẫn từ Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) đang tính xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam sẽ thành địa điểm quan trọng cho chuỗi cung ứng toàn cầu, đại diện SBI Holdings muốn biết định hướng chính sách phát triển, thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhà máy bán dẫn tại Việt Nam.

Ông Yoshitaka, Tập đoàn SBI Holdings phát biểu tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, sáng 16/12, tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Nhật Bắc

Ông Yoshitaka, Tập đoàn SBI Holdings phát biểu tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, sáng 16/12, tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Nhật Bắc

Tại Việt Nam, Tập đoàn Renesas Electronic đã đầu tư một cơ sở về nghiên cứu phát triển với 1.500 lao động người Việt, 60% trong số này là kỹ sư công nghệ phần mềm. Đại diện tập đoàn này cho hay, Việt Nam là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược đầu tư ra nước ngoài của Renesas tới đây về nghiên cứu phát triển, sản xuất chất bán dẫn.

“Việt Nam có tầm nhìn ra sao trong phát triển công nghiệp chất bán dẫn, và Chính phủ mong đợi gì từ các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực này”, ông đặt câu hỏi với Thủ tướng.

Cùng mối quan tâm, ông Kazuhiro Doh, đại diện tập đoàn Tokyo Electron – doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản trong sản xuất thiết bị chất bán dẫn – cho rằng, quy trình sản xuất chất bán dẫn đòi hỏi chất lượng, độ chính xác cao. “Việt Nam có chính sách gì về phát triển nhân lực để đáp ứng?”, ông đặt vấn đề.

Trước sự quan tâm của các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang thực hiện hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước thông qua phát triển công nghệ mới, lĩnh vực mới như sản xuất chip, công nghệ bán dẫn.

“Chuyển đổi số là tất yếu, thế giới phát triển, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Muốn vậy phải đi tắt đón đầu phát triển công nghệ, trong đó có công nghệ bán dẫn”, Thủ tướng nói.

Vì thế, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam mong doanh nghiệp Nhật Bản – với nhiều kinh nghiệm về công nghệ – sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghệ bán dẫn, trước tiên là hạ tầng công nghệ trong nền tảng chung với hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục

Ông cũng đề nghị các doanh nghiệp bán dẫn Nhật Bản đầu tư và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, cũng như hỗ trợ Việt Nam phát triển, đào tạo nhân lực chất lượng cao, xây dựng các nhà máy sản xuất sản phẩm chip…

“Việt Nam là nơi khu trú an toàn trong cơn bão hiện nay của thế giới, nhờ ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, đối ngoại hợp tác phát triển và Nhà nước pháp quyền với con người là trung tâm, động lực phát triển chính”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc gặp các doanh nghiệp sản xuất chip, bán dẫn Nhật Bản, sáng 16/12, tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc gặp các doanh nghiệp sản xuất chip, bán dẫn Nhật Bản, sáng 16/12, tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Nhật Bắc

Để phát triển ngành công nghệ bán dẫn và nằm trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật, toàn cầu, Thủ tướng cho hay, Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư nghiên cứu xây dựng chính sách, cơ chế ưu tiên phát triển công nghiệp điện tử, bán dẫn, trong đó có ưu tiên về thuế, đất đai, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng. Các chính sách ưu đãi hiện có vẫn được tiếp tục triển khai.

Bộ Giáo dục & Đào tạo xây dựng chính sách để phát triển nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực bán dẫn, chẳng hạn cách để chuyển đổi 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin hiện nay để họ trở thành 1 triệu kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn.

“Chúng tôi muốn phát triển ngành sản xuất chip đột phá, tức là đi sau nhưng cần đi nhanh chứ không thể bình bình, nên sẽ nghiên cứu và đưa ra các chính sách, cơ chế để có thể tập hợp các doanh nghiệp hàng đầu lĩnh vực này rót vốn, đầu tư vào Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Ngoài Nhật Bản, hiện nhiều doanh nghiệp lĩnh vực này của Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) quan tâm, muốn đầu tư vào Việt Nam về công nghệ bán dẫn, sản xuất chip. Các doanh nghiệp Mỹ đã coi Việt Nam là cứ điểm, Thủ tướng muốn điều tương tự với các doanh nghiệp bán dẫn Nhật Bản, và tiến tới Việt Nam có thể nằm trong chuỗi cung ứng sản xuất chip bán dẫn của Nhật, bên cạnh Ấn Độ, Trung Quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đang công tác tại Nhật và dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm ASEAN – Nhật Bản cũng như tiến hành các hoạt động song phương, theo lời mời của Thủ tướng Kishida Fumio, ngày 15-18/12.

2023 là năm Việt – Nhật kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện hồi tháng 11. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về cung cấp viện trợ ODA, thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ 4 về thương mại.

Đại học hàng đầu Nhật Bản mở rộng tiếp nhận du học sinh Việt

Đại học Kyushu, một trong 5 đại học công lập hàng đầu ở Nhật Bản, dự định mở rộng đào tạo và tiếp nhận du học sinh Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, ngày 30/11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới thăm Đại học Kyushu ở tỉnh Fukuoka và trò chuyện với các du học sinh Việt Nam tiêu biểu tại đây.

Khi biết Đại học Kyushu dự định mở rộng đào tạo và tiếp nhận du học sinh Việt Nam học tập tại trường, Chủ tịch nước hoan nghênh và đề nghị trường đẩy mạnh hợp tác với các đại học, địa phương ở Việt Nam trong bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Chủ tịch nước cũng bày tỏ vui mừng trước những thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu của các du học sinh Việt Nam ở trường. Ông đề nghị các lưu học sinh nỗ lực trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, đoàn kết, hỗ trợ, đùm bọc lẫn nhau, cùng xây dựng cộng đồng người Việt Nam vững mạnh tại Nhật Bản, trở thành cầu nối cho quan hệ Việt Nam-Nhật Bản.

Ngoài ra, Chủ tịch nước tham quan Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về Năng lượng Hydro, một trong những cơ sở hàng đầu thế giới về lĩnh vực này. Trung tâm chuyên thực hiện các dự án trọng điểm, kết hợp với nhiều công ty lớn của Nhật để triển khai các dự án nghiên cứu về Hydrogen. Tiến sĩ Phạm Hùng Cường là người Việt Nam duy nhất đang làm việc và nghiên cứu tại đây.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với học sinh Việt Nam đang học tại trường Đại học Kyushu. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với học sinh Việt Nam đang học tại trường Đại học Kyushu. Ảnh: TTXVN

Đại học Kyushu là một trong 5 đại học công lập hàng đầu của Nhật Bản. Trường có lịch sử hơn 110 năm, có nhiều khoa nghiên cứu hàng đầu được chính phủ Nhật Bản tài trợ hàng năm. Ở đây hiện có hơn 18.500 sinh viên, 2.000 giảng viên và 2.500 sinh viên quốc tế, theo học nhiều lĩnh vực, từ nhân văn, nghệ thuật đến kỹ thuật và khoa học y tế.

Trong đó có 53 thạc sĩ và nghiên cứu sinh người Việt, một phó giáo sư và hai trợ lý giáo sư.

Theo thông tin trên website, học phí đại học và sau đại học ở Đại học Kyushu hiện khoảng 535.000-800.000 yên (88-132 triệu đồng) một năm.

Nguồn : Vnexpress

Tỉnh Shiga nhắm tới Việt Nam để khắc phục thiếu lao động

Tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng đang ảnh hưởng đến nền kinh tế Nhật Bản.

Tuy nhiên, tỉnh Shiga ở phía tây đất nước đã tìm ra một giải pháp.

Chính quyền và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tích cực tuyển dụng lao động nước ngoài, đặc biệt tập trung vào sinh viên đại học ở Việt Nam, đất nước đang tăng trưởng nhanh chóng.

Chính quyền tỉnh Shiga cung cấp hỗ trợ quan trọng cho các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Năm 2021, chính quyền tỉnh và Đại học Bách Khoa Hà Nội đã khởi động quan hệ đối tác nhằm hỗ trợ cung cấp nhân lực tài năng cho doanh nghiệp ở Shiga. Đây là trường kỹ thuật lớn nhất của Việt Nam và có số lượng lớn sinh viên tham gia vào nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau.

Trong khuôn khổ hợp tác, sinh viên đã bắt đầu học tiếng Nhật tại trường.

Sinh viên Việt Nam học tiếng Nhật tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Mùa hè vừa qua, 11 sinh viên Việt Nam đã đến Nhật Bản thực tập tại các doanh nghiệp. Trong đó, 2 người đến một doanh nghiệp sản xuất để quan sát quy trình sản xuất phụ tùng thép dùng trong vận tải biển và thiết bị xây dựng hạng nặng.

Thực tập sinh đến thăm công ty sản xuất phụ tùng thép ở Shiga.

Một thực tập sinh cho biết đây là cơ hội tốt để gặp gỡ những con người mới và xem cách họ làm việc.

Ông Mori Yasuhiro làm việc tại Phòng Chính sách Lao động và Việc làm của chính quyền tỉnh, đơn vị quản lý dự án với Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Ông Mori Yasuhiro làm việc tại Phòng Chính sách Lao động và Việc làm của chính quyền tỉnh Shiga. Ông cho biết có được nguồn sinh viên tốt nghiệp Đại học Bách Khoa ổn định sẽ giúp các doanh nghiệp trong tỉnh tuyển dụng người Việt dễ dàng hơn.

Kỳ vọng xuất nhập khẩu “bứt phá”, chờ kỷ lục mới năm 2024

Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 11/2023 (từ ngày 1 – 15/11) đạt 29,43 tỷ USD, giảm 14,7% so với kết quả nửa cuối tháng 10/2023.

Về xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 11 đạt 14,66 tỷ USD, giảm 18,7% (tương ứng giảm 3,36 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 10/2023.

Theo Nhà báo & Công luận, nếu như vậy, tính từ đầu năm đến hết 15/11, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 306,06 tỷ USD, giảm 6,4% tương ứng giảm 20,96 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh xuất khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 11/2023 đạt 14,77 tỷ USD, giảm 10,5% (tương ứng giảm 1,73 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 10/2023.

Tính từ đầu năm đến hết 15/11, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 281,62 tỷ USD, giảm 11,7% (tương ứng giảm 37,32 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.

Đặc biệt, kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 11 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/11 đạt 587,68 tỷ USD. Tuy nhiên, kết quả này vẫn giảm 9% (tương ứng giảm 58,27 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý trong kỳ 1 tháng 11, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 118 triệu USD. Dù vậy, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11, Việt Nam vẫn xuất siêu tới 24,44 tỷ USD.

Trước đó, Bộ Công Thương dự kiến chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 đạt mức tăng khoảng 6% so với năm 2022. Năm 2022, xuất khẩu cả nước đạt 371,3 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2021. Như vậy với chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6%, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 393-394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng hoá so với năm 2022.

Kỳ vọng xuất nhập khẩu "bứt phá", chờ kỷ lục mới năm 2024

​Ảnh minh họa.

Phát triển thị trường

Bộ Công Thương đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định FTA với Israel, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR…) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…

Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

Tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường.

FiinGroup dự báo, năm 2024, xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ phục hồi mạnh, do tổng cầu của các thị trường xuất khẩu chủ đạo dự kiến cải thiện do các nền kinh tế đã gần như hết chu kỳ tăng lãi suất mặc dù vẫn sẽ duy trì mặt bằng lãi suất cao như hiện nay một thời gian, theo Công Thương.

Bên cạnh đó, sự phục hồi của nhóm doanh nghiệp nội địa bắt đầu từ tháng 10/2023 sau giai đoạn cầm chừng. Thực tế xuất khẩu bởi doanh nghiệp nội địa đã tăng 15% trong khi FDI (với mặt hàng công nghệ chiếm phần lớn) chỉ tăng 3%.

Thông tin trên báo Tiền Phong, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 6-6,5% như Nghị quyết Quốc hội vừa thông qua tại kỳ họp Thứ 6 QH khóa XV, các chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xuất khẩu và hồi phục thị trường nội địa.

Đáng chú ý, Quốc hội đã thông qua nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, với chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 là 6 – 6,5%, lạm phát 4 – 4,5%. Mục tiêu này có phần thách thức trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và toàn cầu vẫn gặp khó khăn. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng sáng hơn cho năm 2024 là có cơ sở, khi kinh tế tăng tốc hồi phục những tháng cuối năm nay, tạo điểm tựa cho những mục tiêu năm mới.

Nguồn : 24hMoney

Thúc đẩy triển khai các nội dung hợp tác giữa Quảng Nam với Nagasaki (Nhật Bản)

(QNO) – Ngày 13/11, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan thúc đẩy triển khai các nội dung hợp tác giữa Quảng Nam với Nagasaki (Nhật Bản).

b
UBND tỉnh đề nghị UBND TP.Hội An tham mưu tu bổ, sử dụng lâu dài mô hình Châu ấn thuyền đang được đặt tại Không gian văn hóa Việt Nam – Nhật Bản (Phố cổ Hội An). Ảnh: H.S

UBND tỉnh yêu cầu Sở VH-TT&DL kết nối với cơ quan tương ứng của tỉnh Nagasaki để tăng cường quảng bá hình ảnh tỉnh Quảng Nam tại tỉnh Nagasaki. Trong đó xúc tiến kế hoạch cụ thể để đề nghị tỉnh Nagasaki hỗ trợ không gian trưng bày, giới thiệu hình ảnh tỉnh Quảng Nam tại tỉnh Nagasaki.

Sở LĐ-TB&XH tích cực nghiên cứu, tham mưu tháo gỡ vướng mắc, triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác đã ký kết với Sở Công nghiệp và Lao động tỉnh Nagasaki; nghiên cứu, tham mưu xây dựng mạng lưới thông tin (network) về thực tập sinh Quảng Nam, Việt Nam tại Nagasaki nhằm cập nhật thông tin tình hình học tập, làm việc, chế độ, chính sách ưu đãi cho sinh viên, lao động tại tỉnh Nagasaki.

Sở Nội vụ phối hợp với Sở Y tế, Sở NN& PTNT, các cơ quan liên quan khảo sát, xây dựng kế hoạch cụ thể để xúc tiến hợp tác với tỉnh Nagasaki về đào tạo đội ngũ y bác sĩ thông qua các khóa đào tạo chuyên sâu dài hạn, ngắn hạn tại tỉnh Nagasaki; hỗ trợ các đoàn bác sĩ của tỉnh Nagasaki sang tỉnh Quảng Nam để chuyển giao kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn hoặc đào tạo cho đội ngũ bác sĩ Quảng Nam. Cử công chức, sinh viên tỉnh Quảng Nam sang học tập kinh nghiệm và nghiên cứu về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, trồng trọt các loại rau củ quả, chăn nuôi bò.

Sở NN&PTNT nghiên cứu, tham mưu triển khai nội dung hợp tác về chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm về nông nghiệp, trồng trọt; mô hình phát triển nông thôn của Nagasaki; phòng chống thiên tai.

UBND tỉnh giao UBND TP.Hội An chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu các nội dung: Tuyên truyền, giới thiệu vở Opera “Công nữ Anio”; tạo điều kiện hỗ trợ tỉnh Nagasaki trưng bày các tư liệu, hình ảnh… tại Nhà văn hóa Nhật Bản (số 06 Nguyễn Thị Minh Khai, Hội An); hợp tác tu bổ, sử dụng lâu dài mô hình Châu ấn thuyền hiện đang được đặt tại Không gian văn hóa Việt Nam – Nhật Bản (phố cổ Hội An).

UBND tỉnh yêu cầu Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam cần tích cực tuyên truyền, tổ chức đưa các em sinh viên ngành điều dưỡng của Trường sang làm việc tại tỉnh Nagasaki.

Sở Ngoại vụ sẽ là cơ quan đầu mối, kết nối, hỗ trợ các cơ quan, địa phương triển khai thực hiện các nội dung hợp tác giữa hai địa phương.

Nguồn : https://baoquangnam.vn/ (Hà Sấu)

Dự báo xuất nhập khẩu 2023 giảm mạnh 9-10%, phục hồi tốt từ 2024

Trong 5 năm 2018 – 2022, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu trung bình của Việt Nam là 11,62% so với cùng kỳ và nhập khẩu là tăng 11,27%. Kể cả trong giai đoạn trong nước và quốc tế chịu cú sốc Covid – 19 (giai đoạn 2020), xuất nhập khẩu suy giảm nhưng vẫn tăng trưởng dương.

Tuy nhiên, sang năm 2023, chính sách tiền tệ chủ đạo trên thế giới nghiêng về thắt chặt, dẫn đầu là Hoa Kỳ, đã khiến nhu cầu hàng hóa thế giới nói chung, hay cụ thể hơn là các thị trưởng xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ chiếm ~29,46% kim ngạch xuất khẩu năm 2022, Trung Quốc chiếm ~15,54% kim ngạch xuất khẩu năm 2022 và châu Âu chiếm ~12,61% kim ngạch xuất khẩu năm 2022 sụt giảm, dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam sang các thị trường này suy yếu theo, thậm chí là tăng trưởng âm.

Trong 10 tháng 2023, xuất khẩu Việt Nam đạt 291 tỷ USD, giảm 6,92%, nhập khẩu đạt 266,67 tỷ USD giảm 12,09% so với cùng kỳ. Tăng trưởng xuất nhập khẩu đang cho thấy diễn biến tích cực hơn về cuối năm, đà tăng trưởng âm thu hẹp dần, tuy nhiên cán cân thương mại ngày càng tăng lên.

Tình trạng này là do Việt Nam có xu hướng nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất và xuất khẩu hàng thành phẩm. Trong bối cảnh nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu vẫn còn yếu, các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam không có động lực nhập khẩu để sản xuất thêm.

Trong báo cáo về chỉ số PMI sản xuất của Việt Nam tháng 10/2023 của S&P Global cũng chỉ rõ, số lượng đơn đặt hàng mới tăng ở mức yếu, doanh nghiệp có xu hướng sử dụng hàng tồn kho để đáp ứng các đơn hàng mới thay vì tăng sản lượng. Kết quả, cán cân thương mại 10 tháng năm 2023 thặng dư 24,61 tỷ USD, tăng 156,65%.

Trong năm 2023, trong bối cảnh các nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại, BSC dự báo xuất – nhập khẩu Việt Nam sẽ giảm lần lượt là 10% – 4,42%  và giảm 15% – 9,09% ; thặng dư cán cân thương mại ở mức 28,6 – 29,1 tỷ USD.

Dự báo xuất nhập khẩu 2023 giảm mạnh 9-10%, phục hồi tốt từ 2024 - Ảnh 1

Trong năm 2024, dự báo xuất nhập khẩu Việt Nam lần lượt sẽ ở mức tăng 5,5 – 11% và tăng 7,5% – 15%; thặng dư cán cân thương mại thu hẹp so với 2023, ở mức 18,7 – 24,6 tỷ USD.

Theo BSC, xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ hồi phục trở lại khi Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ; Hàng hồn kho tại Hoa Kỳ đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại trong những tháng gần đây; Việt Nam đã nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Fed phát tín hiệu sẽ giữ lãi suất cao trong thời gian dài, là yếu tố cản trở đà hồi phục.

Tại châu Âu, lạm phát vẫn ở mức cao, Ngân hàng trung ương châu Âu ECB cũng có quan điểm tương tự Fed là sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài cho đến khi lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2%. ECB dự báo đến năm 2025 lạm phát trung bình năm mới về ngưỡng 2,1%. Ngoài ra, châu Âu cũng đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kĩ thuật (tăng trưởng GDP âm hai quý liên tiếp) khi tăng trưởng GDP quý 3/2023 – 0,1% so với quý trước. Xuất khẩu sang châu Âu trong thời gian tới cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Tại Trung Quốc, cả ba trụ cột chính của nền kinh tế là Tiêu dùng trong nước, Bất động sản, Xuất nhập khẩu đều đang yếu. Sang năm tới khi Fed chấm dứt chính sách tiền tệ thắt chặt, thúc đẩy các quốc gia khác nới lỏng chính sách tiền tệ theo, tạo điều kiện cho thương mại toàn cầu hồi phục trở lại. Khi đó thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ hồi phục theo đà hồi phục chung. Nhập khẩu hàng hóa đầu vào năm 2024 sẽ tăng trưởng mạnh hơn sau năm 2023 đình trệ, nhằm đáp ứng nhu cầu đầu ra hồi phục.

[NGUỒN THAM KHẢO]

Nhật Bản cân nhắc nới lỏng quy trình nhập cảnh cho người Việt

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật nói Tokyo cân nhắc nới lỏng quy trình nhập cảnh cho người Việt nhằm tăng du khách, cũng như thu hút lao động chất lượng cao.

Đây là một phần trong nỗ lực phát triển ngành du lịch hậu Covid-19 của Tokyo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kobayashi Maki cho biết trong cuộc gặp báo chí ngày 10/10 tại Hà Nội, nhân chuyến thăm Việt Nam của tân Ngoại trưởng Kamikawa Yoko.

Bà Maki cho hay lượng du khách Việt Nam đến Nhật Bản năm 2019, thời điểm trước khi Covid-19 bùng phát, đạt khoảng 500.000 lượt, trong khi số du khách Nhật thăm Việt Nam là 952.000 lượt. Quý I năm nay, lượng khách Việt đến Nhật đạt 161.000 lượt, gấp 12 lần cùng kỳ 2022 và là một trong những mức tăng trưởng cao nhất thế giới.

“Chúng ta cần tiếp tục tăng con số này, bằng cách đẩy mạnh hợp tác văn hóa và nới lỏng quy trình nhập cảnh cho người Việt sang Nhật. Chưa miễn thị thực hoàn toàn, nhưng Nhật Bản đang cân nhắc tạo điều kiện thuận tiện hơn trong quy trình này”, bà Maki nói.

Bà Maki không nêu rõ các biện pháp nới lỏng quy trình nhập cảnh là gì. Theo quy định hiện hành, công dân Việt Nam muốn nhập cảnh Nhật Bản đều phải xin visa, trừ người mang hộ chiếu ngoại giao hoặc hộ chiếu công vụ. Nhật Bản sẽ bắt đầu cấp e-visa cho đoàn du khách Việt kể từ tháng 11, nhưng chưa áp dụng cho du khách tự túc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kobayashi Maki. Ảnh: APIC

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kobayashi Maki. Ảnh: APIC

Bà Maki cũng cho hay chính phủ Nhật đang đánh giá lại phương pháp thu hút lao động chất lượng cao, cân nhắc việc tạo thuận lợi cho lao động Việt Nam. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Việt Nam có nhiều lao động chất lượng tốt, trong khi Nhật Bản đang đối mặt tình trạng già hóa dân số, khan hiếm lao động.

“Chúng tôi đã suy nghĩ nghiêm túc về việc thu hút lao động bằng cách mở rộng lĩnh vực chuyên môn và cải thiện các điều kiện, phúc lợi”, bà Maki nói, thêm rằng các thay đổi có thể được đưa ra trong năm tới.

Nhật Bản đang đề xuất bãi bỏ chương trình thực tập sinh nước ngoài gây tranh cãi để xây dựng hệ thống tuyển lao động hoàn toàn mới, nhằm “bảo vệ và phát triển” nguồn nhân lực, trong đó đề xuất thêm nhiều quyền lợi nhất định trong quá trình làm việc và sự nghiệp lâu dài cho người lao động.

Dữ liệu từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho thấy tính đến tháng 6/2021, khoảng 202.000 thực tập sinh kỹ thuật Việt Nam học tập và làm việc tại nước này.

Thực tập sinh Việt Nam làm việc trong nhà máy tại Nhật Bản, tháng 8/2022. Ảnh: Hùng Lê

Thực tập sinh Việt Nam làm việc trong nhà máy tại Nhật Bản, tháng 8/2022. Ảnh: Hùng Lê

Phát ngôn viên Maki cũng khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục đảm bảo nguồn cung vốn ODA, ngay cả khi nước này đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách.

Tokyo gần đây áp dụng cách tiếp cận mới trong chính sách ODA. Nhật thường chờ đối tác đưa ra ưu tiên và đề xuất dự án trước khi trải qua quá trình thảo luận kéo dài nhiều năm. Theo chính sách mới, Tokyo nay sẽ chủ động đề xuất gói hợp tác trong các lĩnh vực mà quốc gia đối tác quan tâm để đẩy nhanh quá trình chuẩn bị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi tiếp Ngoại trưởng Yoko ngày 10/10 cũng đề nghị Nhật Bản cung cấp ODA thế hệ mới cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược quy mô lớn của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yoko tại Văn phòng Chính phủ ngày 10/10. Ảnh: Giang Huy

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yoko tại Văn phòng Chính phủ ngày 10/10. Ảnh: Giang Huy

“Chúng tôi đang thảo luận về đề xuất này. Tokyo coi việc phát triển hạ tầng kết nối kỹ thuật số, giao thông tại khu vực rất quan trọng”, bà Maki nói.

Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về cung cấp viện trợ ODA, thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ 4 về thương mại. Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản 24,2 tỷ USD và nhập khẩu 23,4 tỷ USD.

Nhật Bản là đối tác ký nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương nhất với Việt Nam, gồm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Tân Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yoko thăm Việt Nam ngày 10-11/10, vào dịp hai nước kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao. Bà là một trong 5 nữ quan chức được bổ nhiệm vào nội các mới của Thủ tướng Fumio Kishida trong cuộc cải tổ nhân sự giữa tháng 9.

Tân Ngoại trưởng Nhật Bản sắp thăm Việt Nam

Tân Ngoại trưởng Nhật Bản sắp thăm Việt Nam

Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yoko sẽ thăm Việt Nam vào tuần sau, gần một tháng sau khi nhậm chức.

“Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yoko sẽ thăm Việt Nam ngày 10-11/10. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang phát triển hết sức tốt đẹp, toàn diện về mọi mặt, với sự tin cậy chính trị cao”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết hôm nay.

Theo bà Hằng, Ngoại trưởng Kamikawa Yoko dự kiến hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và có các cuộc tiếp kiến với lãnh đạo cấp cao Việt Nam.

Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yoko trả lời họp báo tại trụ sở Bộ Ngoại giao Nhật Bản ở Tokyo ngày 15/9. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yoko trả lời họp báo tại trụ sở Bộ Ngoại giao Nhật Bản ở Tokyo ngày 15/9. Ảnh: AFP

Bà Kamikawa Yoko, 70 tuổi, là một trong 5 nữ quan chức được bổ nhiệm vào nội các mới của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong cuộc cải tổ nhân sự giữa tháng 9. Trước khi được bổ nhiệm làm ngoại trưởng, bà Kamikawa từng giữ chức bộ trưởng tư pháp.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Kamikawa diễn ra nhân dịp Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (21/9/1973 – 21/9/2023). Từ đầu năm đến nay, hai nước đã diễn ra gần 500 hoạt động kỷ niệm quan hệ song phương. Hoàng Thái tử Akishino và Công nương Kiko đã thăm Việt Nam ngày 20-25/9.

Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về cung cấp viện trợ ODA, thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ 4 về thương mại. Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản 24,2 tỷ USD và nhập khẩu 23,4 tỷ USD.

Nhật Bản là đối tác ký nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương nhất với Việt Nam, gồm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Nguồn : Vnexpress

Thăm xưởng sản xuất cùng KH phía Nhật Bản – 27/8/2023

Thăm xưởng sản xuất là 1 hoạt động không thể thiếu trong quy trình làm việc của công ty Toàn Cầu để có thể kiểm soát chất lượng sản phẩm một cách tốt nhất.

Việc đi thăm xưởng sản xuất có vai trò quan trọng trong nhiều khía cạnh:

1. Kiểm tra chất lượng: Khi đi thăm xưởng sản xuất, bạn có thể kiểm tra trực tiếp quy trình sản xuất và chất lượng của sản phẩm. Điều này giúp đảm bảo rằng các tiêu chuẩn chất lượng được tuân thủ và sản phẩm cuối cùng đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

2. Giám sát quy trình: Thăm xưởng cho phép bạn theo dõi quy trình sản xuất từ đầu đến cuối. Bạn có thể kiểm tra liệu các công việc được hoàn thành theo kế hoạch, tìm hiểu về các bước trong quy trình và nhận biết được những vấn đề tiềm ẩn để giải quyết kịp thời.

3. Xây dựng mối quan hệ: Việc gặp gỡ và làm việc với nhà máy hay xưởng sản xuất giúp bạn thiết lập mối quan hệ tốt với nhà cung cấp hoặc đối tác của mình. Điều này có thể mang lại nhiều lợi ích trong việc hợp tác, từ việc tái thiết kế, nâng cao chất lượng đến việc đàm phán giá cả và thời gian giao hàng.

4. Nắm bắt thông tin mới nhất: Khi đi thăm xưởng, bạn có cơ hội tiếp xúc với công nghệ mới, tiến trình sản xuất hiện đại và các xu hướng mới trong ngành công nghiệp. Điều này giúp bạn nắm bắt thông tin mới nhất để áp dụng vào công việc của mình.

Vì vậy, phía KH có thể hoàn toàn an tâm với chất lượng dịch vụ của công ty Toàn Cầu. Luôn giám sát và kiểm soát chất lượng mức tốt nhất với giá thành phải chăng nhất.